Đừng cả tin mua nhà trên giấy
Đừng cả tin mua nhà trên giấy
Tình trạng các doanh nghiệp, nhà đầu tư lách luật, mua bán nhà trên giấy là phổ biến. Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành chưa đủ để điều chỉnh mọi hành vi của các đối tượng tham gia giao dịch loại này. Hệ quả chung là người mua luôn chịu thua thiệt khi sự cố xảy ra.
1/ Phụ thuộc lớn vào ngân hàng
Nhận định “giá bất động sản, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, đang có độ vênh rất lớn giữa giá bất động sản với thu nhập người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế. “Giá chỉ tăng, không giảm. Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đứng ngoài top 100 nhưng giá nhà lại nằm trong nhóm 20 nước có giá nhà cao nhất thế giới. Do đó, số đông người dân không tiếp cận được nhà ở. Người dân đi làm dù không tiêu gì thì cũng phải mất 20 năm mới có khả năng mua được căn hộ nhỏ” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã cho phép ngân hàng thương mại được chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay sẽ tạo điều kiện để lãi suất cho vay đầu tư được điều chỉnh ở mức thích hợp (khoảng 11-13%/năm) đã tạo ra sự sôi động cho thị trường. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2010, thị trường sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là nhà ở, mặt bằng kinh doanh thương mại, diện tích văn phòng cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Trần Nam cảnh báo: “Mặc dù vậy, nếu việc mở rộng tín dụng được làm một cách ồ ạt, nhất là ở phân khúc thị trường cao cấp, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây ra hiện tượng bong bóng bất động sản”.
Đồng ý với phân tích thị trường bất động sản phụ thuộc nhiều vào vốn, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi trường cho biết, dự báo 3 quý cuối năm 2010, khả năng tái lạm phát vẫn đang là một nguy cơ. Các nền kinh tế lớn mới chỉ đạt được mức không suy giảm, chưa tạo được tăng trưởng nhanh trở lại. Do vậy, thiếu vốn, căn bệnh trầm kha của thị trường bất động sản vẫn chưa được giải quyết. Ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục trong tình trạng chưa tìm được nguồn vốn mạnh, có mức ổn định cao. Do đó, thị trường này vẫn sẽ rơi vào cảnh “nóng, lạnh” thất thường, “sốt” cục bộ”.
>> Xem thêm: Bất động sản
2/ Vô tư lách luật
Thừa nhận “việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án còn nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội”, ông Nguyễn Trần Nam phân tích, quy định của luật là sau khi khởi công móng mới được phép huy động vốn nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều biến tướng. Có chủ đầu tư huy động vốn cho dự án A nhưng không tập trung vào đó mà lại mang đi đấu giá tại dự án B, thậm chí “trèo” cả sang dự án C.
Như thế là chi sai mục đích. Kết quả, chủ đầu tư thực hiện dự án chậm, giá vật liệu xây dựng tăng thì đổ lên đầu khách hàng, đòi tăng giá bán nhưng khi giá giảm lại làm ngơ. “Chúng tôi đã chọn 10 dự án lớn, nhỏ để kiểm tra, tất cả nếu không trái pháp luật thì cũng không đúng các quy định hiện hành” - ông Nguyễn Trần Nam nói. Lấy ví dụ vụ mua bán khống đất nền tại dự án Khu đô thị Thanh Hà (Hà Đông), Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói: “Những vụ việc đó gây nhiều tai tiếng cho giới kinh doanh bất động sản. Ngẫm lại, tôi thấy, huy động vốn trước tồn tại quá nhiều vấn đề...”.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, phương thức “mua bán nhà trên giấy” tạo ra nhiều rủi ro cho người mua về chất lượng nhà ở, thời hạn giao nhà. Chưa kể nhà đầu tư tăng giá bán hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác mà người mua không biết. GS Đặng Hùng Võ khẳng định dù góp vốn dưới hình thức nào thì phần thua thiệt vẫn rơi vào khách hàng. Ông Đặng Hùng Võ nói: “Nhiều nhà đầu tư đang có chiêu lách luật mới với tên gọi “Nhà đầu tư vay tiền của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Thực sự, đây cũng là biến thể của “mua bán nhà trên giấy”.
Theo chuyên gia bất động sản, nguồn vốn có tiềm năng với thị trường bất động sản vẫn là vốn từ tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi trong dân. Muốn nguồn vốn này ổn định, hệ thống quản lý phải đưa ra được hành lang pháp lý để hạn chế rủi ro của phương thức “mua bán nhà trên giấy” và “nhà đầu tư vay tiền của người tiêu dùng và cam kết trả lại bằng nhà ở”. Ngay trong năm 2010, cần phải sớm đưa ra hành lang pháp lý cho phương thức huy động vốn từ dân, xây dựng quy chế quản lý rủi ro. Giải quyết được cơ chế này sẽ là điều kiện tăng thêm khả năng phát triển ổn định cho thị trường bất động sản trong 3 quý cuối năm 2010.
Những chú ý khi chọn mua nhà
Từ lâu ông cha ta đã có câu, đại ý, có an cư thì mới lập nghiệp, nói cụ thể hơn là phải có nơi ăn chốn ở ổn định thì mới có điều kiện làm ăn kinh tế, tuy nhiên “an cư” hiện đang trở thành vấn đề nan giải, trước tiên là tài chính, sau đó là những điều kiện cụ thể khác.
Đề cập về vấn đề này, tạp chí y học trực tuyến (WebMD) của Mỹ vừa cập nhật một số kinh nghiệm bổ ích cho những ai đang có ý định mua nhà để ở.
1/ Xác định rõ mục tiêu khi đi mua nhà
Trước tiên, những người đi mua nhà phải xác định rõ mục tiêu, như mua nhà để ở hay để bán, việc mua để ở đã thực sự cần thiết? Bản thân đã có đủ khả năng về tài chính, vấn đề tâm lý, vợ chồng có thuận hòa và tương lai có gắn bó với mảnh đất mới chưa? Chuẩn bị trước là thành công một nửa có thể đúng cho trường hợp này. Ngược lại những vấn đề nói trên chưa hội tụ đủ thì cũng không nên vội vàng, ví dụ mua để ở mà vợ chồng không thuận hòa cũng sẽ gây ra nhiều phản ứng bất lợi mang tính dây chuyền.
2/Vấn đề tài chính
Đây là vấn đề quyết định chính cho việc mua nhà, thậm chí có người tiết kiệm cả đời mới đủ có tiền để mua một căn hộ mới. Khi đã có tiền nên chọn mua ngôi nhà phù hợp với khả năng của mình, nếu đi vay thì cũng không được quá 1/4 giá trị căn hộ. Không nên quá yêu thích mà quyết định mua để rồi phải gánh chịu nhiều hậu quả khác, bởi lẽ ngoài căn hộ người ta còn phải chi tiêu nhiều thứ khác nữa.
3/ Tham khảo thông tin, tư vấn bạn bè
Để tránh bị lừa hay mua bị hớ nên tận dụng tối đa những mối quan hệ sẵn có, ví dụ như mối thên quen bạn bè, tìm hiểu thông tin trên mạng Internet, tư vấn các trung tâm nhà đất có uy tín, có giấy phép thậm chí cả cò đất, thông tin quảng cáo trên báo chí vv…Tất cả những thông tin này hiện đang có sẵn, miễn là kiên trì, có thời gian. Tư vấn bạn bè người thân, nhất là những người đã từng mua nhà sẽ giúp người trong cuộc hạn chế những sai lầm đáng tiếc.
>> Xem thêm: Kế hoạch mua nhà
4/Địa điểm
Tùy theo năng lực tài chính mà chọn những địa điểm thích hợp. Đơn giản, địa điểm là tiêu chí bất di bất dịch, khi mua rồi thì khó thể thay đổi được. Cần chọn nơi phù hợp với bản thân, có tính đến các yêu cầu khác như phong thủy, gần trường học, bệnh viện, chợ, bến xe, có nhiều người thân, bạn bè chung sống, các phương tiện giao thông dễ vào ra, gần nơi làm việc, yên tĩnh không ồn ào, độc hại... Nên tránh mua nhà ở những vị trí không thuận lợi ví dụ như ô nhiễm tiếng ồn, bụi khí thải, độc hại phát ra từ các cơ sở sản xuất, nhà máy...
5/ Các yếu tố về an toàn, sức khỏe
Trong thời gian gần đây do giá cả nhà đất tăng nhanh, nhiều người đã bỏ qua tiêu chí này, cho rằng cứ rộng rãi, rẻ là tốt, nhưng theo các chuyên gia ở Hiệp hội bất động sản của Mỹ (ASHI) thì đây là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với người đi mua nhà để ở, bởi nó liên quan đến trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của những người sống trong ngôi nhà này, nhất là nhóm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Rất đa dạng như an toàn về cháy nổ, mức độ ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khí thái, an toàn từ các thiết bị dùng trong ngôi nhà, nguy cơ bị trượt ngã bị chết đuối vv…hệ thống điện, thoát thải, lò sưởi, bếp gas, nguy cơ phát tán khí gây bệnh ung thư (đặc biệt là tấm lợp amiăng) vv…Tất cả những vấn đề trên cần quan tâm nếu cần có thể sửa chữa để đảm bảo an toàn trước khi dọn đến ở.
6/ Yếu tố hàng xóm
Hàng xóm được xem là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc chọn mua nhà ở bởi lẽ có những người hàng xóm tốt bụng sẽ giúp cho những người đến ở yên tâm, thoải mái. Nên tìm hiểu kỹ những người hàng xóm về tính cách, lối sống cách, cách đối nhân xử thế thông qua cách bài trí đồ đạc trong nhà, tìm hiểu qua giao tiếp, qua chính quyền, những người thân quen, hàng xóm có đối xử thân thiện với những người xung quanh, bạn bè, người thân, trẻ em hay không. Tóm lại là tìm hiểu xem khả năng hợp tác trong tương lai nếu mua nhà kề cạnh.
7/ Thủ tục pháp lý
Theo giới chuyên môn thì không chỉ quan tâm đến sổ đỏ mà còn phải quan tâm đến nhiều thứ giấy tờ liên quan khác. Ví dụ như giấy phép xây dựng, những loại giấy tờ có liên quan theo pháp luật quy định. Ngôi nhà sắp mua thuộc điện quy hoạch, giải tỏa hay đang tranh chấp. Nếu mua nhà đang xây dựng thì cần phải có đầy đủ giấy tờ, hóa đơn, đặc biệt phải xem những người chủ trước đã trả được bao nhiêu, còn nợ hay không hoặc các vấn đề về pháp lý mà chính những chủ nhân trong gia đình đang tranh chấp. Tóm lại, tất cả các yếu tố pháp lý cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định mua, nếu cần có thể thuê tư vấn làm giúp.
Đăng bởi Tiên Tiên Tags: bất động sản, chung cư, lưu ý khi mua bán nhà đất, mua bán bất động sản, mua bán chung cư, mua bán nhà đất, Mua sắm tiết kiệm, nhà đất, nhà đất giá rẻ